Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương đã đưa ra 2 phương án tính giá điện sinh hoạt.
Phương án 1: Giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt từ 6 bậc hiện hành rút gọn còn 5 bậc
Phương án 2: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá (khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá).
Cũng tại phương án 2, dự thảo đưa ra 2 lựa chọn là phương án 2A và 2B. Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá tương ứng là 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân.
Với phương án 2A:
Mức chênh lệch về số tiền điện khách hàng phải nộp ở phương án này như sau:
Với phương án 2B:
Mức chênh lệch về số tiền điện khách hàng phải nộp ở phương án này như sau:
Dự thảo ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến của người dân, cho rằng cách tính giá điện mới chỉ có lợi cho người giàu.
Chị Lê Na (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, chỉ dùng một mức giá, lẽ ra sẽ mang tính công bằng cho mọi người dùng điện, tuy nhiên, với mức giá đưa ra đang quá cao so với mức giá trung bình. “Chúng tôi cần minh bạch mức giá trung bình này có ý nghĩa gì, tại sao lại chọn mức giá áp dụng là 2.704 đồng/kWh và 2.890 đồng/kWh”, chị Na băn khoăn.
Tương tự, anh Tuấn Anh (Long Biên, Hà Nội) cho biết, so với mức dùng của gia đình mình ngưỡng 401-700 kWh/tháng, nếu chọn trả 1 giá, phải trả chênh lệch thêm từ 102.000-233.000 đồng/tháng, tùy theo phương án 1 giá 2.703 đồng hay 2.890 đồng/kWh. Trong khi đó, theo Bộ Công thương, có đến 98,2% số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh.
"Mức điện 1 giá không biết dành cho đối tượng khách hàng nào. Mức giá đưa ra chưa thuyết phục vì sẽ có nhiều người chịu mức hóa đơn cao hơn. Như vậy, rõ ràng sẽ khiến nhiều người dùng buộc phải chọn bậc thang. Trong khi, bậc thang cũng đang không có lợi cho người dùng", anh Tuấn Anh bày tỏ.
Mặc dù được nhận định là nhóm khách hàng có lợi nhất nếu lựa chọn biểu giá điện một giá, chị Lan Anh (Hà Đông) băn khoăn: Hóa đơn tiền điện chỉ tăng vọt vào vài tháng hè. Song, cách tính một giá dù có lợi trong thời điểm này nhưng lại khiến người dùng lúc nào cũng phải trả giá cao hơn so với bậc thang.
Ông Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhận định, sự lo lắng của người dân về cách tính điện một giá là có cơ sở. Cụ thể, theo tính toán của ông Hồi với việc áp dụng điện một giá, khoảng 70% số hộ dùng điện sẽ phải trả chi phí cao hơn nếu chọn phương án này.
"Phương án đồng giá điện có ưu điểm về cách thức tính toán, nhưng nhược điểm trong thực thi khi người nghèo lại "bù chéo" cho người giàu. Thực tế biểu giá điện lũy tiến theo bậc thang không lỗi thời và người dùng ít điện sẽ được lợi về giá", ông Hồi đánh giá.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số hộ sử dụng điện dưới 400 kWh lên đến hơn 22 triệu hộ. Như vậy, trong biểu giá điện mới này, có ít nhất 22 triệu hộ dân không thể chọn cách trả điện 1 giá, vì điện một giá phải trả tiền cao hơn rất nhiều.
Chưa phù hợp
Theo GS-TS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, đã đưa ra phương án một giá thì chỉ đưa vào một mức nào đó xác định, không nên đưa ra 2 mức (145% và 155%) như vậỵ.
“Chính phủ đã có mức giá bán lẻ bình quân (hiện là 1.864,44 đồng một kWh), khi tính toán thì lấy mức đó rồi cân đối cho phù hợp, đảm bảo lợi ích các bên. Tôi chưa hiểu vì sao phải đưa ra 2 phương án về điện một giá như thế”, ông Long nói.
Đáng chú ý, ông Long cho rằng, việc đang từ 5 bậc giảm xuống ngay một giá như vậy có phần “đột ngột".
“Đáng lẽ từ 5 bậc nên xem xét tới phương án 3 bậc trước khi nhảy xuống một giá luôn. Điện một giá trước sau gì chúng ta cũng phải tính đến khi hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nhưng từ đây đến thời điểm đó mấy năm nữa”, ông Long nêu quan điểm.
Theo ý kiến của ông Long, phương án 3 bậc sẽ bao gồm: bậc 1 từ 1-100kWh cho những gia đình khó khăn ở mức giá được hỗ trợ, bậc tiếp theo từ 101- 499 kWh với mức giá bình quân, còn lại khách hàng trên 500kwh thì sẽ phải giá cao hơn vì đây là mức dùng nhiều với các hộ khá giả.
“Tôi thấy thời điểm này chưa thích hợp để đưa giá điện một giá. Hiện, các nước như Mỹ, Nhật... họ vẫn duy trì chính sách giá điện bậc thang để khuyến khích người dân dùng tiết kiệm năng lượng" - GS-TS Trần Đình Long nói.